Lâm sàng
Người bị loãng xương thường không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng trong nhiều năm.
- Đau là triệu chứng thường gặp nhất, cảm giác đau mỏi xương toàn thân, thường gặp nhất là đau lưng, đau có xu hướng lan ra xung quanh. Khi vận động hoặc những va chạm nhỏ làm cảm giác đau tăng lên, người bệnh cảm thấy rất khó chịu. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi của xương quá nhanh, làm mất đi hệ thống lưới xương, đồng thời phá hoại thành phần chất xương dưới lớp hạ cốt mạc.
- Biến dạng cột sống: Lưng còng, sụp cột sống, vẹo cột sống, giảm chiều cao. Chiều cao giảm dần theo tuổi, có trường hợp khi sờ có thể thấy các xương sườn ở cuối cùng chạm vào mào chậu, đến giai đoạn này thì việc giảm chiều cao sẽ ngừng.
- Gãy xương: khi mật độ chất khoáng của xương nhỏ hơn 100 mg/cm2 thì chỉ cần một lực tác động nhỏ ở bên ngoài cũng có thể phát sinh gãy xương. Đặc điểm gãy xương trong bệnh loãng xương là di lệch xoắn vặn, có thể gãy xương hở hoặc gãy xương kín, gãy xương xảy ra ngay trong những điều kiện sinh hoạt thường ngày. Thường gặp nhất là gãy phần thấp cổ tay, cổ xương đùi, cổ xương cánh tay, xương sườn và cột sống.
Người bị loãng xương thường chỉ được phát hiện khi có những biểu hiện: Thấy rõ triệu chứng gù vẹo cột sống, đau xương, gãy xương tự phát, bệnh lý gãy cổ xương đùi hoặc đốt sống cổ, gãy đầu dưới xương quay (Pouteau — Colles) sau một lần ngã nhẹ hoặc gãy xương hông.
Phân loại
Loãng xương được chia làm ba nhóm:
- Loãng xương nguyên phát: Xuất hiện tự nhiên, không tìm thấy nguyên nhân nào khác ngoài tuổi tác và tình trạng mãn kinh.
- Loãng xương thứ phát: do bệnh tật, thuốc và một số nhân tố khác.
- Loãng xương đặc biệt: có thể gặp ở tuổi thanh thiếu niên, thường là do di truyền, gặp ở nữ nhiều hơn nam.
Trong những năm 30 — 40 của thế kỷ XX, Albright đã đề cập đến hai thể loãng xương tiên phát: một thể có liên quan đến sự suy giảm sinh dục ở phụ nữ sau mãn kinh và một thể ông cho rằng có liên quan tới sự suy giảm androgen thượng thận ở người già. Sau này, Riggs, Melton đã gọi hai dạng loãng xương trên là loãng xương typ 1 (loãng xương sau mãn kinh) và loãng xương typ 2 (loãng xương tuổi già).
>>> Xem thêm: Tìm hiểu về hội chứng đau lưng kiểu Maigne và hội chứng đau cùng cụt
- Loãng xương typ 1 (loãng xương sau mãn kinh)
Thể này thường xuất hiện trong vòng 15-20 năm sau mãn kinh, đặc trưng bởi mất chủ yếu xương xốp (bè xương), thường gây gãy xương ở những vị trí có thành phần xương xốp cao như cột sống, đầu dưới xương quay, đầu dưới xương chày.
Tổn thương điển hình là gãy, xẹp cột sống và gãy xương cổ tay.
Gãy xương cẳng tay (không phải Pouteau-Colles), gãy Pouteau-Colles, gãy cổ xương đùi là nhũng loại gãy xương thường gặp nhất.
Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hụt estrogen; tăng bài niệu calci; giảm hoạt động của enzym 25—OH, vitamin D|a—hydroxydase làm giảm sự hấp thu calci ở ruột.
- Loãng xương typ 2 (loãng xương tuổi già)
Xuất hiện với tỷ lệ nữ/nam = 2/1.
Là hậu quả của sự mất xương chậm trong vòng vài chục năm.
Biểu hiện chính là gãy cổ xương đùi, gãy lún các đốt sống do tổn thương đồng đều trên cả xương đặc và xương xốp.
Loại loãng xương này liên quan đến hai yếu tố quan trọng là giảm hấp thu calci và giảm chức năng tạo cốt bào.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là đau nhức trong xương, giảm chiều cao, gù lưng, gãy xương và có thể có trở ngại hô hấp.